Chuyện mẹ chồng nàng dâu luôn là đề tài muôn thuở xảy ra trong các gia đình. Nếu không biết cách hoà giải từ nhiều phía sẽ khiến tình cảm hạnh phúc gia đình xáo trộn, bất hoà. Thậm chí càng khiến cho mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tăng lên, tình cảm vợ chồng rạn nứt, con cái phải sống trong gia đình không hạnh phúc.
Nguyên nhân sâu xa mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Quan niệm khác biệt giữa 2 thế hệ
Mẹ chồng và nàng dâu là 2 thế hệ cách xa nhau nên quan điểm, lối sống và suy nghĩ cũng khác nhau. Nếu ngày xưa phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc chồng con thì ngày nay, phụ nữ dần có vị thế trong xã hội. Thậm chí, có những người có sự nghiệp nổi bật hơn cả chồng. Chính điều này đã gây ra mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Bản thân người phụ nữ có địa vị trong xã hội, độc lập tài chính lại không thể chịu đựng được những khuôn phép gia đình nhà chồng đưa ra. Nếu không được giải quyết đúng cách thì chuyện đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.
Con dâu không đáp ứng tiêu chuẩn của mẹ chồng
Nếu làm dâu trong một gia đình hiện đại, bố mẹ chồng dễ tính thì không cần phải lo nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, trong một số gia đình có truyền thống, nề nếp thì việc nữ công gia chánh được đòi hỏi rất cao. Nếu mẹ chồng quá khó tính mà con dâu lại vụng về thì rất có thể mâu thuẫn sẽ xảy ra.
Không môn đăng hộ đối
Vấn đề môn đăng hậu đối dù không cần quá đề cao trong xã hội hiện tại nhưng chúng ta vẫn ngầm thừa nhận chúng ở nhiều khía cạnh. Ví dụ như hoàn cảnh, lối sống, địa vị xã hội, thói quen, kinh tế. Nếu gia đình 2 bên có sự khác biệt quá lớn rất có thể sẽ xảy ra tình trạng mẹ chồng hoặc chồng tỏ ra coi thường vợ hoặc ngược lại. Nếu ai cũng giữ cái tôi và lòng tự tôn thì có thể sẽ xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.
Bất đồng quan điểm về cách nuôi con
Đây là một trong những nguyên nhân mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu thường xảy ra nhất. Hầu hết các mẹ bỉm sữa hiện nay đều có những phương pháp chăm con hiện đại, trong khi mẹ chồng lại vẫn giữ cách nuôi con truyền thống. Ai ai cũng muốn tốt cho con cho cháu dẫn đến mâu thuẫn gay gắt. Đặc biệt khi phụ nữ sau sinh càng trở nên nhạy cảm hơn. Nếu không nhận được sự quan tâm từ chồng rất dễ mắc phải các bệnh về tâm lý như rối loạn lo âu, stress, trầm cảm,…
Mẹ chồng tham gia vào chuyện riêng 2 vợ chồng
Chuyện kết hôn và chung sống với nhau đều do 2 vợ chồng quyết định nhưng có không ít mẹ chồng quyết định thay con về vấn đề lễ cưới, thời điểm sinh con, tài chính,….Nếu người chồng biết cách giải quyết ổn thoả, khéo léo bằng cách nói chuyện trực tiếp với mẹ thì vấn đề sẽ không trở nên to tát. Tuy nhiên, nếu chồng bạn là người quá nghe lời mẹ thì cảm giác sẽ vô cùng khó chịu.
Do người chồng không biết cách cư xử
Người chồng đóng vai trò là cầu nối của mẹ chồng và nàng dâu. Nếu anh ấy biết cách trò chuyện, sắp xếp ổn thoả mọi vấn đề thì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu có thể được giải quyết ổn thoả. Nếu người chồng không biết cách cư xử, giải quyết không thấu đáo thì mâu thuẫn không những không được xử lý mà còn bị đẩy lên cao trào.
Cách giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu
Để giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu được ổn thoả, không mất tình cảm đôi bên thì cần có sự hợp tác và thay đổi của nhiều bên: mẹ chồng, nàng dâu và chồng.
Đối với mẹ chồng
Thực tế, mỗi lời nói và hành động của mẹ chồng đều mong muốn vun vén cho con cháu, gia đình ổn định. Chỉ là cách thể hiện của mẹ có phần hơi cổ hủ và mang tính áp đặt. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác. Thay vì áp đặt, mẹ chồng chỉ nên đưa ra lời khuyên và để cho con cái sống theo cách mà chúng mong muốn.
Ngoài ra, mẹ chồng cũng nên học cách chấp nhận những thiếu sót của con dâu và có thái độ đóng góp ý kiến một cách thiện chí và chân thành. Không nên có thái độ cay nghiệt, độc đoán để không khí gia đình trở nên nặng nề hơn.
Đối với con dâu
Khi gặp những khúc mắc với mẹ chồng, bạn có thể tìm chồng để chia sẻ, nói ra những buồn vui trong lòng. Chồng là người sống lâu với mẹ chồng sẽ hiểu tính cách của mẹ hơn. Nhờ vậy, mà sẽ giúp bạn nắm bắt được tâm lý của mẹ chồng và có cách cư xử khéo léo hơn.
Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân. Họ đều là những người đã có kinh nghiệm hơn sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên hữu ích.
Ngoài ra, bạn cũng nên tự xem xét lại và hoàn thiện những thiếu sót của bản thân. Ví dụ như học cách nấu ăn, dành nhiều thời gian để chăm sóc gia đình, chồng con nhiều hơn,…Biết đâu nhờ sự tích cực này của bạn sẽ khiến cho mẹ chồng thay đổi cách nhìn nhận về bạn.
Đối với chồng
Người chồng đóng vai trò rất quan trọng để giúp mẹ và vợ thấu hiểu lẫn nhau. Vì vậy, họ cũng cần có cách cư xử khéo léo để giải quyết ổn thoả mâu thuẫn giữa mẹ và vợ. Khi nhận thấy 2 bên đang có tranh cãi, hãy chủ động chia sẻ với cả hai, nhìn nhận khách quan và đó cân nhắc đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Tránh cư xử thiếu cân bằng sẽ tạo cảm giác khó chịu và tổn thương từ phía còn lại.
Trên đây là những phương hướng giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu thấu đáo, hợp tình hợp lý nhất. Hy vọng rằng, bài viết sẽ giúp bạn gỡ rối, giải quyết được nút thắt vấn đề và xây dựng hạnh phúc gia đình bền lâu.